I update my dribbble more frequently. Please go there to see more.

Bạn đang  đọc các blog của mình.  English version is on Medium
  • grid-interface
  • bullet-list

Living, Working.

June 06, 2022 - 9 phút đọc

6 thói quen “xấu nửa vời”, nhưng chẳng cần bỏ

Thói quen là một công cụ giúp não tiết kiệm năng lượng cho những việc lặp đi lặp lại hàng ngày. Tùy vào kết quả mà ta “gắn mác” cho các thói quen này là xấu hoặc tốt. Và rồi, người ta hay khuyên rằng hãy từ bỏ những thói quen xấu để có tương lai tốt đẹp hơn.

Như việc khi đặt điện thoại lên bàn, mình luôn úp phần mặt xuống dưới. Vì không dùng ốp, cũng như dán mặt kính nên thói quen này làm cho màn hình điện thoại trầy khủng khiếp, hẳn có thể xem đây là một thói quen xấu.

Thế mà nhờ thói quen này, mình đã có được rất nhiều buổi nói chuyện say sưa với bạn bè không bị những thông báo gây xao nhãng. Đó luôn là một trải nghiệm thú vị, khi mình lắng nghe toàn vẹn những câu chuyện và kết nối với cảm xúc của người kể.

Mình nhận ra có nhiều thói quen ban đầu tưởng như là xấu, nhưng lại có thể đem lại nhiều kết quả thú vị bất ngờ.


1. Hay mơ mộng viễn vông

Từ nhỏ, mình đã là một đứa trẻ mơ mộng. Với khu vườn là cả vũ trụ bao la thì mỗi ngày là một câu chuyện, từng hành động đều có ẩn chứa lý tưởng xa vời.

Nếu là Siêu anh hùng, thì việc bọc ny lông cho một quả na (mãng cầu) là để cứu một hành tinh khỏi con quái vật chim khổng lồ chuyên đi nuốt chửng các tinh hà.

Càng lớn, sự thực tế của thế giới lại càng kéo xa ta khỏi sự mơ mộng và những phát kiến thú vị. Lang thang trong vùng đất của vô thức là một chuyện rất vui, nhưng luôn song hành bởi nỗi sợ lãng phí thời gian vô ích.

Giữa nhịp sống hối hả, não bộ chúng ta dành phần lớn thời gian để tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Truyền thông, quảng cáo, và những “tiếng ồn” từ mạng xã hội sẽ luôn tìm được cách để hút sự chú ý và “nhét” cho chúng ta rất nhiều thông tin. Dần dà, não luôn thụ động chờ sự kích thích từ bên ngoài mà không thể chịu nổi trạng thái “tĩnh” để tự sản xuất ra những suy nghĩ riêng biệt, độc đáo.

Mơ mộng có thể là thói “xấu”, nhưng có được thói “xấu” này không hề dễ. Cho phép mình được mơ mộng nghĩa là bạn chấp nhận ngồi trong im lặng và bắt đầu chuyến hành trình vào miền hỗn loạn của tâm thức. Chính trong khu vực này mà chúng ta có những liên kết kỳ lạ và thú vị nhất. Bạn có để ý đến những ý tưởng kỳ lạ xuất hiện khi đang rửa chén bát hoặc đi tắm không?

Mơ mộng viễn vông cũng chính là lúc bộ não chúng ta đủ thảnh thơi để tự tiêu khiển chính mình bằng cách chủ động tạo liên kết giữa những điểm kiến thức có sẵn và thúc đẩy sự sáng tạo.


2. Ghét sự lộn xộn, nhưng lại hay bừa bộn

Mình có một “tiêu chuẩn kép” khá nặng nề ở điểm này.

Rõ ràng là không thích nhà cửa bừa bộn, thiếu gọn gàng. Nhưng bàn làm việc của mình lại ít khi được ngăn nấp, rồi tự thấy mình sao lại có thói quen xấu như thế này.

Đã có các nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng:

  • Làm việc trong môi trường ngăn nắp thường kích thích mọi người làm việc theo kế hoạch sắp xếp từ trước.
  • Làm việc trong môi trường lộn xộn lại kích thích sự sáng tạo, dễ tìm ra các ý tưởng thú vị.

Nghĩa là môi trường nào cũng có lợi thế của nó, tùy vào tính chất công việc đang làm mà hoặc là cứ bày bừa, hoặc là chịu khó sắp xếp lại một chút.


3. Bắt đầu công việc với tư duy “kẻ làm biếng”

Lười biếng thường được mô tả là một tật xấu, hay thậm chí nó còn được đưa vào một trong bảy đại tội của con người. Nhưng bạn không lười nếu những thứ cần hoàn thành vẫn được hoàn thành.

Progress isn’t made by early risers. It’s made by lazy men trying to find easier ways to do something.

- Robert A. Heinlein

Tạm dịch: Sự tiến bộ không phải được tạo ra bởi những người dậy sớm. Nó là bởi những người lười biếng cố gắng tìm những cách dễ dàng nhất để làm việc.

Mình là người làm biếng, nên làm việc gì cũng hay bắt đầu bằng câu hỏi:

“Làm sao để ít tốn sức và thời gian mà vẫn xong việc này”

Và nhiều lần, các câu trả lời đã mở ra những cách thức hay ho giúp mình hoàn thành công việc nhanh hơn, vừa đỡ mệt, vừa có thêm thời gian dành cho thứ khác.

Cần làm rõ là “tư duy kẻ làm biếng” khác với “kẻ làm biếng”, bởi vì tới lúc cần hành động mà mình vẫn làm biếng thì thật khó mà có kết quả như mong muốn được.


4. Siêng nhờ vả những việc mình làm không tốt

Đây là hệ quả của “tư duy kẻ làm biếng”, đó là thường nhờ người khác làm việc mình không tốt.

Bạn có thể xem việc hay nhờ vả người khác là một thói quen xấu, vì nó làm cho bạn không chủ động được công việc, làm phiền người khác, và không thể học thêm kỹ năng mới.

Nhưng với mình, thói quen này không xấu khi nó dựa trên 2 niềm tin:

  • Tin rằng ta không thể giỏi mọi thứ
  • Tin rằng giá trị cao nhất là khi để cho người có năng lực phù hợp làm tốt nhất việc đó

Vì thế, khi phải hoàn thành một việc mà mình chưa có năng lực để làm tốt. Mình sẽ chủ động đi nhờ trước, nếu người ta có thể làm giúp mình thì quá tốt, hoặc không thì ít nhất ta có thể nhận được nhiều lời khuyên từ họ.

Nhưng phải lưu ý là xem họ có sẵn lòng cho ta nhờ vả không đã nhé!


5. Thỉnh thoảng, mình làm thứ gì đó vô nghĩa

Bạn có hay đi tìm ý nghĩa, giá trị cho từng việc mình làm?

Mình thừa nhận lợi ích của việc hiểu được giá trị cho từng việc mình làm là rất lớn, nó tạo động lực cũng như giúp việc đưa ra lựa chọn tốt hơn.

Nhưng đi kèm với nó là áp lực.

Thỉnh thoảng, mình quyết định vứt bỏ cái “ý nghĩa” sau công việc. Vì để tìm kiếm ý nghĩa, là lúc mình phải dành nhiều phần lý trí hơn, thật ra chẳng cần.

Cứ làm thôi, miễn là linh cảm mách bảo “đây có thể là điều đúng đắn” mà không cần phải giải thích.


6. Không cài báo thức

Qua 30 tuổi, mình bắt đầu để ý cơ thể hơn. Mình hiểu rằng, sức khỏe không còn như những năm 20, vì thế mình ưu tiên cho việc cứ ngủ thoải mái, và thức dậy khi cơ thể muốn. Mình không còn cài báo thức kiểu 10 phút 1 lần như ngày trước, chỉ cài 1 lần khi có buổi hẹn quan trọng. Mỗi tối, trước khi ngủ mình mở điện thoại ra để kiểm tra xem có báo thức nào đang mở, tắt đi và để cho đồng hồ sinh học tự làm việc của nó vào ngày mai. Còn làm thế nào để điều này phù hợp với giờ giấc công việc thì chắc sẽ là câu chuyện khác về thói quen tốt.

Hy vọng, những điều trên giúp bạn thêm một cách nhìn nhận khác về những thói quen mình đang có.

đọc thấy hay? share ngay cho bạn bè cùng đọc

Nhận 5 bài viết hot nhất về Sáng tạo và Tư duy.

    và nhận thông báo khi có bài viết mới.

    Tiếp tục đọc

    Working

    January 22, 2024 - 15 phút đọc

    10 Mặt trái của việc phát triển thương hiệu cá nhân

    close-sound-svg
    heart-svg
    hand-svg
    eye-svg
    hit-left-svg
    hand.svg hand.svg
    oval-default oval-designing oval-writing
    loading

    to tell you a better story.
    I prefer you visit my site on
    the desktop.

    music brings emotion
    so turn it on for your best
    experience.

    having a great idea to share?

    or want to have a cup of coffee and chit chat, just drop me a message.

    drop me a message to

    I use cookies to ensure that I give you the best experience on my website. If you continue to use this site I will assume that you are happy with it.