to tell you a better story.
I prefer you visit
my site on
the desktop.
Để nhìn thấy vẻ đẹp của nỗi buồn
Có lần mình khóc trong vô thức tại bàn ăn trong bếp nhà Ngoại ở Huế. Đang ăn vội chén cơm, nhìn ngoài vườn thấy bộ quần áo bà đang phơi trên sào, nước mắt cứ chảy lúc nào không biết.
Vì sáng hôm đó, bà mình mất.
Đấy là lần đầu tiên, mình biết nỗi buồn khi người thân ra đi, một thứ cảm xúc khủng khiếp nhất mình phải trải qua.
Cái nỗi buồn đấy nó dai dẳng trong thời gian dài sau đó, mình từng nghĩ nỗi buồn thật xấu xí!
Trong nền văn hóa hiện đại, nỗi buồn thường không được coi trọng, quảng cáo, tiếp thị, truyền thông và sách self-help “dán nhãn” nỗi buồn là những thứ độc hại. Đích đến cuối cùng của cuộc sống phải luôn luôn vui vẻ, hạnh phúc.
Nhưng tại sao khi buồn, nhạc thất tình lại hay như vậy. Tại sao những bộ phim tình cảm Hàn Quốc khiến người xem phải khóc sướt mướt, lại không thể bỏ sót bất kỳ tập phim nào. Vì đâu đó sâu thẳm trong tiềm thức, ta tin rằng buồn giúp ta thấy mình vẫn còn sống.
Mình nhận ra, bản chất của nỗi buồn không phải là xấu xí, nó rất đẹp khi…
Minh họa buồn một cách đẹp đẽ: https://www.instagram.com/annamachtart/?hl=en
1. Khi nó là cảm xúc, không phải là bệnh
Bằng cách tận hưởng nỗi buồn, ta ôm chúng vào lòng, hiểu được tâm trạng của mình đang ở trạng thái dễ tổn thương. Ta thể hiện lòng trắc ẩn với bản thân:
Hôm nay cuộc sống thật khó khăn với mình, thôi thì buồn đi nhé.
Tự nhiên, ta sẽ có những hành động chăm sóc mình tốt hơn. Ăn một bữa ăn ngon, nghe 1 bản nhạc buồn, đốt tin dầu nhè nhẹ, tắt hết mọi thứ liên kết với cuộc sống ngoài kia. Ta cho mình 1 khoảng thở, để buồn và hồi phục.
Đừng đánh đồng nỗi buồn với sự chán nản, buồn là khi có thứ gì đó không như kỳ vọng, khi ta mất mát hoặc tổn thương tinh thần. Còn sự chán nản chỉ đơn giản là khi bạn không thể tập trung cho những mục tiêu đã xác định từ trước, và nuông chiều sự trì hoãn của bản thân.
Chính về thế ta có thể buồn khi mục tiêu chưa thể đạt được, nhưng đừng để chán nản khiến ta từ bỏ nó.
2. Nó giúp ta hiểu bản thân mình hơn
Ẩn sau mỗi nỗi buồn là 1 nhu cầu nào đó mà bản thân mình cần khỏa lấp, hiểu được nỗi buồn sẽ giúp ta biết cần phải làm gì sau đó.
Ta buồn khi nghe 1 bản nhạc tình yêu, phải chăng ta đã cô đơn quá lâu?
Ta buồn khi thấy người khác thành công, phải chăng ta chưa cố gắng đủ nhiều?
Ta buồn khi thấy người yêu cũ có người yêu mới, phải chăng ta chưa thật sự quên người?
Khi ta vẫn còn những kiểu “ta buồn không biết vì sao ta buồn”, nghĩa là ta còn rất nhiều thứ chưa hiểu về bản thân. Tìm được nguồn gốc của nỗi buồn là cách giúp chúng ta hiểu được điều gì khiến mình vui thật sự.
3. Nỗi buồn khiến ta nhận ra mình muốn gì
Điều quan trọng hơn nữa, nỗi buồn sẽ giúp ta nhận ra điều gì quan trọng với mình. Một người xa lạ có thể dễ dàng làm mình vui bằng những câu nói hài hước, nhưng để khiến mình buồn chỉ có thể là những người đặc biệt.
Nỗi buồn sẽ phản chiếu sự quan tâm của mình lên sự vật đó, mình càng buồn vì nó bao nhiêu – thì càng quan tâm tới nó bấy nhiêu. Thú vị là, ta có thể tự dối lừa bản thân là mình không quan tâm, nhưng không thể thôi ngừng buồn về điều đó. Nỗi buồn cho phép ta, được sống thật với chính mình.
Hiểu được điều này, ta biết ta thực sự muốn gì.
4. Nỗi buồn báo hiệu điều tồi tệ đã qua
Sau cơn mưa, trời lại sáng.
Người ta quên nhắc tới việc mọi vật vẫn còn ướt khi cơn mưa vừa tạnh. Nỗi buồn như cái ướt sau cơn mưa vậy, nó khó chịu một lúc nhưng rồi sự ấm áp sẽ tới. Mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn.
Cũng có thể chưa kịp khô, cơn mưa khác lại tới. Nỗi buồn lại dài thêm, chỉ cần ta nhìn thấy vẻ đẹp của nó. Ta sẽ chờ được tới khi mặt trời mọc.
5. Và khi buồn, ta có 1 vẻ đẹp
Khi buồn, ta hay được người khác an ủi:
Khóc nhìn xấu lắm, lau nước mắt đi.
Cười lên nào, phải cười thì mới đẹp.
Sự thật là, nếu ai đó đang chìm đắm trong nỗi buồn của họ, tự đối thoại nội tâm xung quanh nỗi đau và mất mát, thường lại rất quyến rũ. Họ có thể nở 1 nụ cười khi bạn lại hỏi thăm, nhưng nụ cười đó có thể rất gượng gạo và ngắn ngũi để họ sớm quay lại với nỗi buồn.
Nàng thơ, thường là niềm hứng khởi cho các tác phẩm nghệ thuật, nhưng phần lớn các câu chuyện thật buồn:
Em không là nàng thơ
Anh cũng không còn là nhạc sĩ mộng mơ…
Cái đẹp mang mác của Nàng thơ lại là cái đẹp dễ ăn sâu vào tâm trí của ta nhất.
Vì thế, chẳng có gì xấu nếu ta cần phải buồn. Chỉ là đừng bỏ lỡ đi vẻ đẹp bên trong nó, để sau đó ta sẽ lại hạnh phúc hơn.
Chúc bạn có những nỗi buồn thật đẹp!
đọc thấy hay? share ngay cho bạn bè cùng đọc