to tell you a better story.
I prefer you visit
my site on
the desktop.
Vài suy nghĩ đầu năm 2022
Chẳng cần phải nói nhiều về việc 2021 là một năm khó khăn như thế nào cho tất cả mọi người.
Dù đã phải trải qua chuyện gì, may mắn là chúng ta vẫn còn được ngồi ở đây, để chia sẽ những khoảng khắc đón năm mới cùng gia đình, háo hức với những mục tiêu sắp tới hay tụ tập lập sòng thử vận may.
Còn nhớ đầu năm 2020, Hoàng có lỡ chúc mọi người kiên cường hơn (https://bit.ly/3Hw4IPP), xui rủi thế nào 2 năm tiếp theo Covid xuất hiện đòi hỏi mọi người phải kiên cường hơn rất nhiều. Rút kinh nghiệm, lần này mình sẽ không dám chúc điều gì nữa.
Thay vào đó, Hoàng chia sẽ về những điều đã thấy được trong năm qua như để tự nhắc nhở bản thân ghi nhớ, đừng để lãng phí những gì đã mất để học được những bài học này.
Hy vọng các bạn có được những giá trị ít nhiều ở trong những điều này…
1. Nếu không thể học cách tận dụng những điều xảy ra trong cuộc sống…
Trong trải nghiệm sống 34 năm, 2021 là năm có nhiều mất mát nhất đối với mình, do không tiện chia sẽ những điều quá cá nhân. Nên sẽ nói về mất mát theo khía cạnh cảm xúc:
- Mất sự chia sẽ cảm thông, khi người bạn tri kỷ chuyển sang dạng sống khác.
- Mất sự gần gũi không ngôn ngữ, khi người bạn nhiều lông học làm chim cho kiếp sau.
- Mất sự quan tâm đặc biệt lâu chưa có, khi vừa chớm sao lòng đã phải buông.
- Mất niềm vui dại khờ, khi trái tim không còn ở nơi cũ.
- Mất lòng tự trọng và sự tự tin, khi người ta chỉ nhìn vào một phía.
Gần như toàn bộ những thứ đứng đầu trên thang giá trị của mình đều vỡ nát và biến mất trong thời gian ngắn. 6 tháng giãn cách vì Covid, bị mắc kẹt không chỉ trong không gian vật lý mà còn mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực của chính mình. Khoảng thời gian này thật không mấy dễ chịu.
Đã có những ngày, ngủ dậy thấy mắt ướt nhòe, hay 5 phút trước giờ họp phải đi rửa mặt vì tự nhiên cứ rưng rưng nước mắt, mặc dù mình không phải là một người dễ khóc.
Có người lo cho mình bị trầm cảm, rồi mình đùa:
“Trầm cảm thì cũng tốt thôi, có trầm thì mới có bổng, còn cảm nhận được đau buồn là còn có thể vui lên.”
Đọc tới đây, nếu lỡ bạn có lo lắng thì yên tâm nhé, hiện tại mình đã không còn trong trạng thái này nữa. May mắn tìm được những góc nhìn, những cách nghĩ khác nhau từ sách, Podcast, thiền và tôn giáo. Không hoàn toàn bỏ lại được hết tất cả, nhưng cũng không tiếp tục bị những thứ này ăn mòn, và có sự hiểu:
“Nếu không thể học cách tận dụng những điều xảy ra trong cuộc sống như những cơ hội để tăng sức mạnh cho bản thân, thì ta sẽ bị mắc kẹt trong chính những điều đó.”
Hiểu được điều này, mình đã có một thái độ đúng khi đối mặt với sự mất mát, và chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài lẫn bên trong để vượt qua chúng. Và mình đã làm được!
2. Đừng an ủi nỗi buồn của người khác bằng một nỗi buồn hơn
Thời gian mình được an ủi, và quan sát những người khác được an ủi khi chia sẽ về một nỗi buồn nào đó, với nội dung là một nỗi buồn khác dạng như:
- Khi ai đó nói về việc phải trả lại mặt bằng, một người vào kể lại việc họ cũng đã phải đóng cửa hàng, mất nhiều tiền kinh doanh như thế nào.
- Khi ai đó nói về việc mất người thân, một người vào chia buồn và kể lại họ cũng đau đớn như thế nào khi ở hoàn cảnh tương tự.
Biết sao không, độ sâu nỗi buồn ở mỗi người là khác nhau vì mỗi cá nhân có những thang giá trị, sức bền cảm xúc và trải nghiệm sống riêng biệt. Khi chúng ta cố gắng an ủi nỗi buồn của ai đó bằng một nỗi buồn khác thì cũng đang vô tình hạ thấp cảm xúc mà họ đang gánh chịu.
Có thể bạn từng trải qua nỗi buồn tương tự, chiến thắng được nó nên khi thấy nỗi buồn đó ở người khác thì lại nghĩ “rồi mọi chuyện cũng sẽ ổn lại như mình thôi”.
Nhưng cái những người buồn cần không phải là chỉ cho họ thấy một hoàn cảnh tệ hơn để so sánh, hay một tương lai hiển nhiên sẽ xảy ra khi họ vượt qua. Cái họ cần là sự xoa dịu, lời cảm thông hay đơn giản là sự được thừa nhận nỗi buồn đang hiện diện.
“Vì thế, nếu biết ai đó đang buồn, đừng an nỗi buồn của họ bằng một nỗi buồn hơn, bạn nhé!”
3. Đừng vì ngại làm phiền người khác mà bỏ lỡ cơ hội của mình
Không muốn làm phiền người khác xuất phát từ động cơ tốt, nhưng trong một vài trường hợp nó lại đưa tới những kết quả không có lợi cho chính bạn.
Nhất là khi nó ở trong ngữ cảnh công việc, và đặc biệt dành cho những ai đang tập trung để phát triển bản thân. Tâm lý sợ làm phiền sẽ:
- Làm ta không dám hỏi kỹ, làm rõ lại yêu cầu công việc, sự mong đợi ở kết quả.
- Làm ta ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác cho vấn đề đang bị stuck.
- Làm ta bỏ lỡ cơ hội biết thêm lý do đằng sau quyết định của những người nhiều kinh nghiệm hơn mình.
Trong thế giới này, mọi người thường muốn tỏ ra mình đang rất bận rộn, nếu cứ giữ mãi cái tâm thế “sợ làm phiền người khác” sẽ làm cho ta bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để phát triển. Cho nên, trước khi ai thật sự tỏ ra khó chịu thì hãy cố gắng tận dụng khoảng thời gian này để làm phiền với mục tiêu có thêm những thông tin hữu ích cho vấn đề hay việc đang cần hoàn thành.
“Biết làm phiền đúng cách, bạn sẽ mở ra vô số cơ hội để học hỏi kinh nghiệm từ người khác.”
4. Phải làm gì khi người ta yêu thương, làm tổn thương ta
Có thể trong những mối quan hệ xung quanh nhiều khi mình đã không có cách hành xử phù hợp, nhưng mình luôn đặt vào đó những cảm xúc thật sự của bản thân, và nhiều lần điều này đã vô tình tạo ra tổn thương cho cả 2 bên.
Mình thường nói với mẹ trong những lần bà cứ lo lắng về những rắc rối mình đang gặp phải (cũng không biết vì sao bà biết, vì biết tính nên chả bao giờ mình kể):
”Từng tuổi này rồi, mẹ hạn chế đặt hết tất cả niềm vui của mẹ lên con đi. Vì như vậy sẽ tạo những kỳ vọng không phù hợp và gây áp lực lên cả con. Mẹ sẽ không thể có nhiều niềm vui nếu cứ để cảm xúc đặt lên người khác.”
Mình chỉ muốn mẹ mình có thể tách biệt sự yêu thương và sự đáp ứng kỳ vọng, cũng như nó đã giúp mình tránh được những tổn thương từ những người mình yêu thương.
- Vẫn quan tâm, nếu mình vẫn muốn quan tâm
- Vẫn lo lắng, nếu thấy đó là điều cần làm
- Vẫn giúp đỡ, nếu đó là trách nhiệm đáng có
Và ngừng tìm kiếm sự hồi đáp để bảo vệ tất cả không bị tổn thương. Kết thúc ý này, mình muốn mượn lời bài hát Ta có nên của B-Ray:
“Và nếu như người ta yêu thương nhất, là kẻ đứng đằng sau khẩu súng
Ta vẫn nên yêu họ tiếp tục nhưng ở khoảng cách họ bắn không trúng.”
5. Tập vượt qua nỗi sợ có nhiều sự lựa chọn
Chuyến đi Huế cuối năm, mình có cơ hội dành nhiều thời gian để ngồi uống và nói chuyện với mấy đứa em về sự tự do:
“Tự do đơn giản là đôi khi chúng ta có đủ năng lực để có được nhiều sự lựa chọn trong cuộc sống.”
Nhưng chúng còn quá trẻ để mình nói thêm một khía cạnh nữa, đó là phải làm gì khi có nhiều sự lựa chọn.
Rồi sẽ có lúc, chúng và cả chúng ta nữa đều phải đối mặt với nỗi sợ có quá nhiều sự lựa chọn. Tác hại của nỗi sợ này sẽ là:
- Khó khăn trong việc đưa ra sự lựa chọn
- Luôn băn khoăn vì nghĩ những lựa chọn kia tốt hơn
- Bớt thõa mãn vì còn tiếc nuối cho những điều không chọn
- Bị phân tâm với những gì đang làm, vì những lọn khác cứ làm phiền
- Và tự trách mình nếu lựa chọn dẫn tới kết quả không như mong muốn
Nhìn chung, để vượt qua nỗi sợ của việc có nhiều sự lựa chọn là có cách để đưa ra quyết định tốt hơn, những cách phức tạp thì mình đã viết nhiều bài cho nó:
- La bàn của cuộc đời: https://hoang.moe/life-compass/
- Chọn công việc: https://hoang.moe/chon-cong-viec/
- Thứ duy nhất nên kiểm soát: https://hoang.moe/kiem-soat/
- Từ bỏ khi gặp khó khăn: https://hoang.moe/tu-bo-khi-kho-khan/
- Tạo ra đam mê: https://hoang.moe/tao-dam-me/
Còn trong bài này thì chỉ có tips đơn giản, đó là hãy tự tạo ra những quy tắc cho bản thân cho những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống như:
- Chọn chai rượu mắc thứ 2 trong 3 chai đẹp mắt
- Chọn 1 cuốn bìa đẹp, 1 cuốn tựa hay, 1 cuốn có hứng thú
- Chọn cái áo mặc nhanh hơn giữa 3 cái vừa người
Liên tục bổ sung danh sách này sẽ giúp ta đưa ra quyết định nhanh hơn
6. Chúng ta muốn một mình, nhưng lại sợ cô đơn
Nhiều khi mình muốn được ở một mình, tránh tiếp xúc với càng nhiều người càng tốt. Cũng đặc biệt ngại phải duy trì những mối quan hệ xã giao, hời hợt thiếu điểm chung. Nhưng cũng nhiều khi, mình sợ cái cảm giác cô đơn như từng viết: https://hoang.moe/6-noi-so-phi-ly/
Dù đã học cách làm bạn với bản thân, nhưng đôi khi cái cảm giác không có mối quan hệ bên ngoài nào gắn bó khiến cho mình như thể đang không thật sự tồn tại vậy.
Thế là mình nhận ra:
“Chúng ta muốn một mình, nhưng lại sợ cô đơn.”
Dù mạnh mẽ, độc lập tới thế nào thì cũng sẽ tốt hơn nếu tìm được ai đó đủ hiểu mình ở bên cạnh. Để thỉnh thoảng thả lỏng bản thân dựa dẫm một chút, để khi than thở có người an ủi, và để phản hồi cho ta thấy sự tồn tại của mình.
Cảm ơn những ai sẵn sàng mở lòng với mình, và cảm ơn những người chấp nhận sự chia sẽ đến từ mình.
Mồng 1 tết – Viết cho một năm đã có nhiều mất mát.
đọc thấy hay? share ngay cho bạn bè cùng đọc