I update my dribbble more frequently. Please go there to see more.

Bạn đang  đọc các blog của mình.  English version is on Medium
  • grid-interface
  • bullet-list

Living.

August 22, 2022 - 15 phút đọc

Vì sao muốn trở nên tốt hơn lại khó?

Không bàn đến khía cạnh đạo đức, sống tốt mà mình nói đến trong bài viết này chỉ việc ai đó đang cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của chính họ.

Có thể gọi đây là quy luật của sự phát triển, khi mục tiêu sống của hầu hết chúng ta đều hướng tới việc trở nên tốt hơn ở một hoặc nhiều khía cạnh. Chẳng hạn như có một cơ thể khỏe mạnh hơn, nhiều kiến thức để trở nên thông thái hơn, tiết kiệm giỏi hơn để có nhiều tiền hơn.

Nói ra những mục tiêu này luôn có vẻ dễ dàng, nhưng tại sao tới khi làm lại khó như vậy? Bài viết này sẽ tập trung vào một số lý do ngoại cảnh đặc biệt khiến việc sống tốt đã khó còn khó hơn, và làm thế nào để biến nó từ rào cản thành lợi thế.


1. Ta chưa hiểu bản thân muốn gì

Để xác định như thế nào là tốt hơn đòi hỏi ta phải có sự thấu hiểu bản thân để hình thành các thang giá trị và những chỉ số đo lường rõ ràng cho mình.

Chẳng hạn, với mình, khỏe mạnh là không nặng hơn 70kg và đủ sức để chạy một mạch 5km mà không cần nghỉ. Trí tuệ tốt với mình là có được nhiều kiến thức hơn từ việc bền bỉ đọc sách, nghiên cứu khoa học, mỗi tháng tìm hiểu sâu từ 2 tới 3 chủ đề mới lạ.

Tóm lại, giống như leo núi mà không biết đỉnh hướng nào, quãng đường bao xa, muốn sống tốt mà không có mục tiêu rõ ràng rất dễ khiến mình lạc đường.

Cứ như game chưa đủ khó, có những tác động từ bên ngoài còn khiến cho mọi nỗ lực trở nên khó khăn hơn bội phần.


2. Người khác “đục khoét” ý chí của bạn

Từ “đục khoét” ở đây là nghĩa đen của từ “undermine” trong cụm “Social Undermining” – tạm dịch là “Sự phá hoại xã hội” một thuật ngữ tâm lý được định nghĩa bởi các nhà nghiên cứu Duffy, Ganster và Pagon vào năm 2002.

Thuật ngữ này nói về hiện tượng chúng ta có xu hướng đưa ra những lời nói đánh giá, cảm xúc tiêu cực hướng về ai đó để ngăn cản họ đạt được mục tiêu. Những tác động này thậm chí còn mạnh mẽ hơn khi nó đến từ những người quen xung quanh.

Mình đã từng nhận được những câu nói thế này: “Bình thường có thấy mày thể dục thể thao bao giờ đâu, giờ bày đặt đi tập nữa.” Hay “nhìn anh thế này mà cũng chịu khó đọc sách quá ha.” Đôi khi là “Đọc sách self-help, hay dạy làm giàu chứ gì. Sao không lo làm, đọc nhiều để làm gì?”

Thật buồn khi sự nỗ lực trở thành phiên bản tốt hơn lại trở thành một thứ để người khác mỉa mai. Và đọc tới đây, có thể là bạn sẽ ngờ ngợ bản thân mình không chỉ là nạn nhân, mà cũng từng là người công kích…

Tại sao chúng ta, và người khác lại dù vô tình hay cố ý lại có những hành vi như vậy?

Thứ nhất là do áp lực cạnh tranh. Nghiên cứu của tác giả Kimberly D. Reynolds, tại trường đại học DePaul chỉ ra rằng, hiện tượng social undermining xảy ra nhiều nhất trong môi trường công việc, vì ở đó luôn tồn tại sự cạnh tranh ngầm giữa các cá nhân.

Thứ hai là do cảm giác tội lỗi với chính mình. Ví dụ nếu bạn đã từng có quyết tâm dậy sớm tập thể dục, nhưng thất bại quá nhiều lần, nên khi thấy ai đó cũng đang quyết tâm dậy sớm, phần nào đó sâu thẳm bạn sẽ sợ rằng họ sẽ làm được, khiến bạn trở thành kẻ thất bại.

Đôi khi, bạn cũng có thể gặp trường hợp những người làm bạn nản chí là những người quan tâm, lo lắng cho bạn, nhưng quá mức. Hẳn là ai trong chúng ta cũng đã từng có những ông bố, bà mẹ dễ dàng đưa ra hàng trăm lý do và sự ngăn cản cho mục tiêu ra ở riêng, hay yêu đương sớm, hay chọn một công việc không có lương bổng ổn-định. Tất cả đều xuất phát từ việc họ lo chúng ta sẽ thất bại, vấp ngã.


3. (Người khác làm bạn nản chí) và bạn không-thể cản họ làm điều đó

”Hãy sống mà đừng quan tâm tới người khác nghĩ gì.”

Đây là lời khuyên rất phổ biến, nhưng hỏi thật nhé, có bao nhiêu các bạn đang đọc bài này có thể sống hoàn toàn như lời khuyên ở trên? Nếu bạn thật sự làm được, xin chúc mừng, nhưng sẽ thật khó để tất cả chúng ta làm được đúng như vậy, bởi vì:

  • Ta có xu hướng tìm kiếm sự tồn tại của bản thân được phản ánh từ môi trường xung quanh, thể hiện qua nhu cầu được công nhận. Chẳng phải bạn sẽ tự tin hơn nếu nhận được những lời khen trong công việc, hay nghe được một người thân nói rằng họ thương mình?
  • Ta có nỗi sợ sự tồn tại của mình luôn không đủ tốt. Nỗi sợ này lại càng lớn hơn khi khái niệm “đủ tốt” bị bóp méo bởi mạng xã hội, nơi ai cũng có vẻ hạnh phúc, trừ mình.
  • Và trong gien của ta lưu giữ ký ức tồn tại ở trong một cộng đồng xã hội. Thời tiền sử, nếu bị cộng đồng ghét bỏ ta sẽ bị bỏ mặc trong hoang dã, đồng nghĩa với cái chết. Thời hiện đại, nếu không thể hòa nhập ta sẽ cảm thấy rất cô đơn.

Và còn những điều sẽ mất, khi ta không quan tâm ý kiến của người khác…


4. Nếu không quan tâm tới người khác, ta sẽ mất

Mình đã từng thử sống một khoảng thời gian như vậy, và đây là những bài học nhận được

  • Mình cô đơn. Khoảng thời gian khi có những thành tựu đầu tiên, để bảo vệ cái tôi cao ngất khỏi tổn thương, mình đã tự dựng một bức tường ngăn cách với tất cả mọi người. Nó giúp mình ít bận lòng với những lời mỉa mai, nhưng cũng bỏ qua luôn cả những lời góp ý chân thành. Lâu dần chẳng ai muốn chia sẻ điều gì với mình nữa, rồi mình cứ thế cô đơn lúc nào không hay.
  • Mình khó thể hiện bản thân, hoặc thể hiện bản thân một cách quá đà mà không quan tâm tới môi trường hiện tại. Đôi lúc mình hay đùa giỡn quá đà với những người đã thân quen, không để ý tới cảm xúc của họ. Sau mỗi lần như vậy, chỉ tự trách bản thân đã trở thành một phiên bản mà mình không hề mong muốn.
  • Mình bị hạn chế khả năng phát triển. Việc liên tục nhận các thông tin hữu ích từ bên ngoài sẽ giúp ta tiến bộ hơn. Khi đó mình đã bỏ qua tất cả những sự góp ý của người khác, thay vì lẽ ra mình nên chọn lọc lại đâu là thông tin có giá trị để tiếp thu, và bỏ qua những yếu tố mang quá nhiều cảm tính.
  • Mình mất đi sự đồng cảm, và dần hướng giá trị công việc chỉ cho bản thân. Cũng như việc mình đùa giỡn quá trớn, khi người khác gặp khó khăn mình quên luôn việc đặt bản thân vào hoàn cảnh của họ để chia sẻ. Và thậm chí đôi khi mình lại là người có hành động “Social Undermining” lên người khác.

Vậy đâu là cách để đối phó với nó…


5. Đây là cách mình đối phó với Social Undermining từ người khác

  • Ưu tiên quan điểm của bản thân trước, vì không ai hiểu bạn hơn chính bạn. Bạn đọc được sách hay thì cũng chỉ bạn hưởng, chứ những người dèm pha đâu có được gì. Chỉ bạn mới có thể châm biếm, mỉa mai bản thân, nhưng cũng phải biết tự tha thứ cho mình.
  • Ưu tiên quan điểm của người “tốt” hơn trong khía cạnh đó, chủ động chia sẻ mục tiêu cho những người có nhiều kinh nghiệm hơn, để có được các thông tin có giá trị. Ví dụ nếu bạn đang học nấu ăn, đừng ngần ngại đứng nấu cạnh mẹ mình và cho bà nếm thử, và cũng sẵn sàng lắng nghe khi bà phàn nàn cách mình cầm dao, lột tỏi, làm cá,…
  • Ưu tiên quan điểm là sự thật (fact-check), biết cách kiểm tra lại các thông tin. Nếu có ai ngăn cản ta làm điều gì đó bằng sự thật trong luận điểm của họ, hãy cẩn thận cân nhắc lời nói của người đó. Sếp bạn nghĩ bạn không nên làm việc với khách hàng A vì bạn thiếu kiên nhẫn? Hãy suy nghĩ thật kỹ lời của sếp, có khi bạn hơi hấp tấp thật đấy.
  • Ưu tiên quan điểm của người thân, hãy nhớ rằng những người thật sự quan tâm tới ta chỉ muốn những điều tốt đẹp, do vậy việc lắng nghe thông tin từ họ vừa thể hiện là ta cũng quan tâm họ, và đôi khi những điều này cũng hữu ích ít nhiều. Nếu bố bạn không muốn bạn tham gia chuyến leo núi hiểm trở, hãy trấn an ông bằng cách chuẩn bị thật tốt cho mọi trường hợp.
  • Hiểu và đừng đánh giá sự nỗ lực của người khác. Khi thấy ai đó đang hành động để trở thành phiên bản tốt hơn của họ, nếu không thể giúp đỡ thì cũng đừng mỉa mai. Vì nó sẽ tạo ra vòng lặp đánh giá rồi sợ bị đánh giá. Những người hay đánh giá người khác thường dễ hoang tưởng rằng người khác cũng đánh giá mình, dù sự thật là người khác còn có một tỷ điều khác trong cuộc sống để quan tâm.
  • Chọn lọc người phù hợp để chia sẻ về mục tiêu, chọn môi trường phù hợp để hành động cho mục tiêu của mình. Nếu bạn có ước mơ làm thiết kế sản phẩm, đừng kể cho bạn tập gym của mình làm gì, thay vào đó hãy nhắn cho GEEK Up chẳng hạn.

Những suy nghĩ cuối cùng

Mình đã từng chọn sống theo kiểu “mặc kệ thế gian”, nhưng nó không thật sự mang lại kết quả mình mong muốn.

Mình nhận ra rằng, mình không cần phải chọn giữa một trong hai: hoặc đánh mất bản thân khi cố gắng hài lòng người khác, hoặc bơ đi tất cả và chẳng cần để tâm tới việc mình đang tác động như thế nào đến những người xung quanh.

Tốt hơn là mình học cách sống với sự căng thẳng khi đứng giữa hai lựa chọn đó. Nghĩa là thi thoảng mình có thể chọn tập trung hơn ở mặt này, khi khác lại cho phép mình thả lỏng ở mặt kia. Thay vì cố gắng điều khiển việc mức độ quan tâm, mình học cách quyết định xem mình có muốn phản ứng hay không và phản ứng thế nào với những lời bình luận bên ngoài.

Và cho các bạn đã đọc tới tận đây, khi thấy ai đó đang cố gắng trở nên tốt hơn, nếu không thể động viên, xin cũng đừng dìm họ xuống bằng những phiên bản chưa tốt của họ trong quá khứ…

đọc thấy hay? share ngay cho bạn bè cùng đọc

Nhận 5 bài viết hot nhất về Sáng tạo và Tư duy.

    và nhận thông báo khi có bài viết mới.

    Tiếp tục đọc

    Working

    January 22, 2024 - 15 phút đọc

    10 Mặt trái của việc phát triển thương hiệu cá nhân

    close-sound-svg
    heart-svg
    hand-svg
    eye-svg
    hit-left-svg
    hand.svg hand.svg
    oval-default oval-designing oval-writing
    loading

    to tell you a better story.
    I prefer you visit my site on
    the desktop.

    music brings emotion
    so turn it on for your best
    experience.

    having a great idea to share?

    or want to have a cup of coffee and chit chat, just drop me a message.

    drop me a message to

    I use cookies to ensure that I give you the best experience on my website. If you continue to use this site I will assume that you are happy with it.