to tell you a better story.
I prefer you visit
my site on
the desktop.
Vượt qua nỗi sợ bị thay thế với tư duy Tôi cần thiết
Thay vì mong đợi trở thành một người quan trọng, không thể bị thay thế, ta hãy đặt mục tiêu trở thành một người tạo ra nhiều giá trị để cần thiết hơn cho tổ chức. Và với động lực lành mạnh này, thì nỗi sợ bị thay thế sẽ khó mà làm ta sợ hãi.
1. Có những niềm vui nhỏ trong công việc
Thỉnh thoảng, mọi thứ sẽ trở nên thật khó khăn, sẽ có những lúc ngủ dậy với tâm trạng chán chường rồi tự hỏi: “Mình có muốn đi làm hay không?”.
Và để vượt qua những buổi sáng như vậy, trong hơn một thập kỷ qua, mình nhận ra là:
Bên cạnh việc xây dựng sự bền bỉ nội tâm, mình còn tìm kiếm những niềm vui nhỏ hàng ngày như một ly cafe ngon, hỗ trợ được đồng đội, hay hoàn thành những mục tiêu nho nhỏ, dễ làm.
Trách nhiệm có thể giúp ta quyết tâm, nhưng niềm vui mới là thứ gắn bó ta lâu dài với một công việc.
Bài viết tham khảo:
– Nội lực bản thân
– Ngọn lửa đam mê
2. Đừng chỉ làm thứ đã từng làm
Chúng ta có muốn ở mãi 1 mức lương?
Chúng ta có muốn ở mãi 1 vị trí công việc?
Vậy tại sao chúng ta lại muốn chỉ làm những thứ đã từng làm?
- Mình đã từng nghĩ rằng chỉ cần thật giỏi 1 loại công việc thì mọi thứ sẽ ổn. Có lẽ thời bố mẹ mình điều nay vẫn còn đúng – nhưng khi thế giới phẳng, kiến thức dễ tiếp cận hơn thì sự cạnh tranh lúc này khốc liệt hơn bao giờ hết. Nếu bạn là 1 Designer đã có vài năm kinh nghiệm, hãy chú ý nhiều hơn các đồ án tốt nghiệp gần đây của sinh viên các trường, bạn có thể sẽ phải suy nghĩ lại những điều trên.
- Mình cũng từng lo lắng về những hạn chế của mình. Tự nhận thức được điểm mạnh điểm yếu là một yếu tố quan trọng. Nhưng nó cũng đồng thời khiến cho mình chỉ thấy khuyết điểm, từ chối cho bản thân được tiến bộ. Vượt qua khỏi vùng an toàn, chiến đấu cho cơ hội tiếp theo nhưng đừng quên mài dũa những điểm mạnh hiện có.
3. Đừng ngồi yên và chờ mình tiến bộ
Cái này cũng giống như việc không mua vé số nhưng luôn hy vọng mình sẽ trúng số vậy. Chẳng có cuộc chiến nào không đánh mà thắng, chẳng có món ăn nào không nấu mà chín, và cũng sẽ chẳng có kỹ năng nào không rèn mà giỏi.
Hãy thử phân bổ thời gian theo quy luật 80-20, 80% thời gian để làm những thứ mình giỏi tạo ra giá trị trực tiếp, và 20% thời gian là để rèn luyện thêm 1 kỹ năng mới hỗ trợ. Mình thường dành 30 phút mỗi ngày để phát triển kỹ năng viết, và viết tốt hơn đã giúp rất nhiều trong công việc hệ thống hóa lại kiến thức thiết kế của mình.
4. Living on the edge
Bạn sẽ không bao giờ biết được giới hạn thật sự của mình, nếu không tự đưa mình tới bờ vực của giới hạn đó. Xã hội này được xây dựng để hướng tới sự ổn định, và việc này tạo ra 1 nghịch lý. Ta được nuôi lớn với tâm lý tìm kiếm sự an toàn trong cuộc sống, trong công việc, trong tình cảm, nhưng sâu thẳm bên trong lại bị kích thích bởi những khao khát mạo hiểm, mới mẻ, nhiều thử thách.
Mình đã từng nghĩ rằng không thể chạy xa hơn 10KM, nhưng lại dám đăng ký chạy trail 21KM vào cuối năm 2018. Giờ thì đối với mình, việc hoàn thành Road hay Trail 42KM cũng là điều dễ dàng không cần phải tập luyện quá nhiều.
Vậy đó, cảm giác sống là cảm giác phát triển và giây phút ta ngừng thử thách giới hạn chính mình, có thể đó là giây phút ta ngừng sống.
Road: chạy đường thành phố, bằng phẳng với thời gian quy định ngắn.
Trail: chạy đường núi rừng, trèo đèo vượt suối, thời gian quy định dài hơn.
5. Giữ cho lời hứa và kết quả gần nhau
Một người bạn đã từng nói: sự tôn trọng của 1 người phụ thuộc vào khoảng cách giữa lời hứa và kết quả họ làm được.
Điều này nghĩa là nếu bạn hứa với người khác là 10, và kết quả bạn làm ra càng thấp hơn 10 bao nhiêu thì sự tôn trọng của họ dành cho bạn càng thấp đi bấy nhiêu. Đương nhiên, nếu có thể nhiều hơn 10 thì quá tốt.
Nhưng nếu lời hứa của bạn quá dễ dàng để hoàn thành, thì cũng chẳng có gì thay đổi. Hãy nhắm tới giới hạn mà mình có thể đạt được, và hứa cao hơn giới hạn đó 1 chút. Thử xem điều này có thể đưa bạn đi xa hơn tới đâu.
6. Giữ cho mình một thái độ tốt
Trong cuốn sách “Cách Sống” của tác giả Inamori Kazuo, ông đã đưa ra công thức mà mình rất thích là:
Cuộc đời và thành quả của công việc = Tư duy x (Nhiệt huyết + Năng lực)
Sự thú vị của công thức này chính là nằm ở phép nhân với Tư duy ở vị trí đầu tiên. Bởi vì trong Tư duy sẽ có Tư duy tốt ( + ) và Tư duy xấu ( – ). Nếu chúng ta bắt đầu mọi thứ, hoặc giữa đường thay đổi Tư duy thành xấu, phép tính này sẽ xuất hiện dấu ( – ), và kết quả của nó kéo theo là trở thành ( – ).
Lấy ví dụ như một người rất thông minh và siêng năng, nhưng người đấy lại dùng những khả năng đó để phạm pháp, thì kết quả cuộc đời sẽ ở trong tù.
Vì thế, dù chúng ta đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, hãy cố gắng giữ cho mình một tư duy tích cực.
Suy nghĩ cuối
Những ngày này, chủ đề AI được bàn tán sôi nổi, câu hỏi “liệu AI/robot có thể thay thế được con người hay không” dù không mới nhưng được mọi người phân tích lại vì những tiến bộ vượt bậc của AI gần đây.
Chuyện tương lai thật khó nói trước, mà công nghệ lại phát triển quá nhanh, chỉ 10 năm thôi mà nhiều hành vi xã hội bị thay đổi vì có những công nghệ mới.
Nên mình nghĩ thay vì lo lắng bị AI thay thế, chúng ta có thể tập trung phát triển bản thân để thích nghi.
Chỉ cần liên tục tạo ra nhiều giá trị, sẽ thật khó để ta có thể dễ dàng bị thay thế.
đọc thấy hay? share ngay cho bạn bè cùng đọc