to tell you a better story.
I prefer you visit
my site on
the desktop.
Này bạn, đừng vội tin ngay những điều mình viết
Đúng rồi, bạn đọc đúng rồi đó.
Đây là bài viết mà người ta sẽ nói là “tự bắn vào chân”, tại sao người hay chia sẽ về kinh nghiệm, kiến thức như mình lại không muốn người khác vội tin vào những thứ mình viết?
Mình đã tính viết chủ đề này từ tháng 1, khi tự cảm thấy áp lực về chất lượng nội dung từ bạn đọc dù không ai nói. Nhưng quan trọng hơn là mình không muốn thông qua những thứ mình viết tạo ra kỳ vọng sai trái cho những người chưa gặp, và cả những người thường hay tiếp xúc trong công việc hàng ngày.
Để có thể tìm ra cách truyền tải ý đồ hiệu quả giúp người đọc dễ hiểu từ đó tạo ra giá trị cho họ. Mình luôn cố gắng đọc thêm, đào sâu chủ đề sắp viết mới có thể khái niệm hóa kiến thức, những kinh nghiệm đã trải, những bài học nhận ra từ cuộc sống và người xung quanh.
Nhưng không có nghĩa, tất cả những thứ mình viết phản ánh đúng năng lực của mình. Vì năng lực thực sự không thể hiện qua những gì mình biết, mình viết, mình nói, hay mình làm.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu vì sao đôi khi ta dễ dàng tin tưởng ai đó, và điều gì tạo ra sự tín nhiệm của một người.
1. Tại sao ta dễ tin một người nào đó?
Tất cả là tại vì Hiệu ứng hào quang – The Halo effect.
Đây là một dạng thiên vị nhận thức, trong đó ấn tượng chung của chúng ta về người nào đó sẽ ảnh hưởng lên cách ta cảm nhận và đặt niềm tin lên họ. Ta dễ có thiện cảm với những người bề ngoài sáng sủa, bảnh bao, ăn mặc gọn gàng, chỉnh chu, những thiện cảm ban đầu này sẽ vô thức ảnh hưởng lên cách sau đó ta tiếp nhận thông tin từ họ.
Chúng ta luôn vô thức muốn trở thành những phiên bản tốt đẹp hơn của bản thân mình, nhưng lại thường không biết “tốt đẹp hơn” trông như thế nào. Sự tốt hơn này tùy mỗi người mà đặt ra thang đo khác nhau: giàu có hơn, nổi tiếng hơn, giỏi nghề hơn,… rồi có xu hướng tìm lấy một hình mẫu lý tưởng – idol một ai đó mà mình muốn trở thành.
Vô tình điều này tạo ra hiệu ứng Halo, rồi đặt niềm tin và sự kỳ vọng sai trái.
- Ta tin một diễn viên nổi tiếng có đủ năng lực tổ chức cứu trợ từ thiện.
- Ta tin một ca sĩ hát hay, thường nói đạo lý thì cũng có lối sống đúng đắn.
- Ta tin một designer giỏi, viết tốt thì sẽ đa năng trong nhiều khía cạnh công việc.
Một người giỏi trong lĩnh vực nào đó, không có nghĩa là họ giỏi tất cả.
Vì vậy, đừng vội tin ngay những điều mình viết, và cả những người mà bạn đang ngưỡng mộ, những idol. Bởi vì niềm tin, hay sự tín nhiệm của một người là thứ tạo ra bởi nhiều thứ.
2. Sự tín nhiệm
Theo Stephen M. R. Covey trong cuốn sách “The Speed of Trust” tên tiếng việt “Tốc độ của niềm tin”, sự tín nhiệm được tạo bởi 4 yếu tố:
- Integrity – Chính trực
- Intent – Ý định
- Capabilities – Năng lực
- Results – Kết quả
Ông ví 4 thứ này như các bộ phận của một cái cây:
- Integrity – Rễ cây
- Intent – Thân cây
- Capabilities – Lá cây
- Results – Hoa quả
Những yếu tố này sẽ giúp chúng ta tự hình dung được sự tín nhiệm của một người để quyết định xem điều gì đáng tin, điều gì không. Từ đó đặt kỳ vọng phù hợp cho mối quan hệ xung quanh mình. Đồng thời, nếu bạn đang có ý định xây dựng sự tín nhiệm của bản thân hoặc tổ chức, đây cũng là thông tin đáng để tham khảo.
Bây giờ, thử sử dụng chúng để cân nhắc sự tín nhiệm những điều mình viết.
3. Chính trực
Sự chính trực như rễ cây, thông thường bị che đậy dưới lòng đất và rất khó để nhìn thấy. Nó đóng vai trò quan trọng giúp cây phát triển vững vàng, nhưng nếu để nó thối rữa, cây sẽ chết dần và rất khó để cứu chữa. (Bài học xương máu khi mình trồng cây ở nhà). Có 3 khía cạnh tạo ra sự chính trực:
- Sự trung thực:
Với mình, trung thực là viết những gì mình biết và đã thử, đồng thời thừa nhận những gì mình không biết hoặc chưa thử.
Tương tự khi tiếp xúc với người khác, bạn có thể hỏi sâu hơn những điều người đó đang nói, cách trả lời sẽ ít nhiều phản ánh ít nhiều sự trung thực của họ.
- Sự khiêm tốn:
Khiêm tốn là khi biết được có những thứ mình làm tốt, nhưng chưa đủ.
Mình hiểu là một kiến thức gì có thể phù hợp trong ngữ cảnh này, nhưng lại không tốt ở trong ngữ cảnh khác. Nên khi viết, mình cố gắng đưa vào những ví dụ thật tế nhất để người đọc có cái nhìn bao quát hơn về vấn đề.
Khiêm tốn để giữ cho mình tâm trí cởi mở để lắng nghe thêm từ góc nhìn người khác, vì mình quan tâm đến điều đúng đắn cuối cùng. Mặc dù đôi khi mình cũng chưa khiêm tốn lắm đâu, he he.
- Sự dũng cảm:
Can đảm nói ra những điều cho là đúng, mặc dù có thể nó sẽ tổn hại tới lợi ích của mình. Như để viết được bài này cũng cần một sự can đảm nhất định.
Là dám nói ra suy nghĩ cá nhân mà mình cho nó sẽ hữu ích cho tập thể, mặc dù có thể sẽ đi ngược lại ý kiến đám đông.
Và can đảm, là khi mình dám nhận thừa nhận sự sai sót của bản thân, như sai lỗi chính tả một cách đường đường chính chính.
4. Ý định
Với nền tảng là sự chính trực, ý định xoay quanh những điều mình muốn làm với sự viết của mình, nói rộng ra thì là những điều ta muốn làm với cuộc đời của ta.
- Động cơ:
Là lý do, mục đích để làm điều gì đó. Nếu ai đó không thấy hoặc không tin tưởng ý định của bạn, họ sẽ luôn nghi ngờ và cảnh giác.
Động cơ viết lách của mình thay đổi theo thời gian, ban đầu chỉ muốn viết ra những suy nghĩ vẫn vơ trong đầu, sau lại muốn tổng hợp lại kiến thức, trải nghiệm mọi thứ thêm một lần nữa. Và bây giờ thì mình muốn tạo ra giá trị cho cả mình lẫn người đọc nó.
- Kế hoạch:
Điều này khá rõ ràng, kế hoạch là cách ta lập ra những thứ cần làm để đạt được mục tiêu. Mình quan sát mọi thứ hàng ngày kỹ hơn, note lại những ý tưởng chủ đề khi nó vừa thoáng qua trong đầu, viết ít nhất một bài mỗi tuần, chia sẽ bài viết ở nhiều kênh hơn.
- Hành vi:
Là sự kết hợp của động cơ và kế hoạch.
Động cơ gốc dễ bị che đậy bởi động cơ khác có vẻ tương tự, nhưng hành vi sẽ thể hiện rõ được mục đích thật sự ở đằng sau.
Mình có thể dễ dàng nói “Mình muốn viết những gì có giá trị cho người đọc”, nhưng nếu chỉ viết cho mình hiểu, và nội dung quá đề cao hay áp đặt quan điểm, thì có thể động cơ thực sự của mình chỉ là “show-off” những kiến thức mình đang có.
Bạn có thể nhìn vào hành vi trong một thời gian dài của một người để thấy được động cơ thật sự đằng sau đó.
5. Năng lực
Năng lực của một người trong công việc là sự kết hợp của 3 yếu tố:
- Thái độ: là cách ứng xử, suy nghĩ, cảm xúc định hình quan điểm và niềm tin vào một thứ gì đó.
- Kiến thức: là những dữ kiện, thông tin, hay còn gọi là tri thức.
- Kỹ năng: là khả năng vận dụng những kiến thức trong thực tế. Có 2 dạng kỹ năng là chuyên môn và kỹ năng mềm.
Những yếu tố này mang tính chủ quan cao, một người có thể dễ dàng rèn luyện, bổ sung để thay đổi. Nhưng trong cuộc sống, năng lực còn bị ảnh hưởng bởi thêm 2 thứ:
- Phong cách sống: được hình thành dựa trên sự giáo dục, môi trường và những sự kiện xảy ra trong quá khứ làm thay đổi tư duy.
- Năng khiếu: là món quà của tự nhiên, và thường là thế mạnh đặc trưng của một người.
Đây là 2 thứ khách quan, khó tác động để thay đổi nó.
Như vậy, năng lực là sự tổng hợp 5 yếu tố trên để hoàn thành mục tiêu một cách khác biệt giữa mỗi người. Bây giờ hy vọng bạn đã hiểu vì sao mình nói những thứ mình viết không phản ánh đúng năng lực thật của mình.
Chẳn hạn như dù mình có nhiều kiến thức trong hành vi, cảm xúc của con người, nhưng lại không có phong cách sống hay năng khiếu phù hợp để có thể làm tốt những công việc cần phối hợp với quá nhiều người.
Cho nên, nếu mình viết gì về Emotional Handling hay Team Work thì hãy giảm sự tin tưởng xuống tầm 50% nha :D.
6. Kết quả
Nó là hoa và quả, là những kết quả hữu hình có thể đo lường được từ sự nỗ lực của rễ, thân và lá cây. Đây là phần cực kỳ quan trọng ảnh hưởng trực tiếp lên sự tín nhiệm của một người.
- Nói được, thể hiện được nhưng làm có ra kết quả hay không?
- Kết quả sẽ bị đánh giá bởi: kết quả trong quá khứ, hiệu suất hiện tại, và dự đoán trong tương lai những điều bạn đang làm.
Đây chính là lý do đối với những bài viết về kiến thức thiết kế, mình chỉ viết những thứ mình đã và đang áp dụng tốt vào công việc thực tế. Rất hạn chế lấy ví dụ trên mạng, vì nó không thể hiện được kết quả của kiến thức mà mình biết.
7. Suy nghĩ cá nhân
Bây giờ, mình tự chấm điểm sự tín nhiệm của mình đối với 3 danh mục chính hay viết đó là Design, Creativity và Personal Awareness thì:
- Design: 88%
- Creativity: 80%
- Personal Awareness: tùy topic mà đâu đó từ 50% tới 69%
Những lời khuyên cuối cùng:
- Hãy xem thông tin bạn tiếp nhận giống như đồ ăn bạn đưa vào cơ thể. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm những khía cạnh để đánh giá sự tín nhiệm của một người, tổ chức và từ đó chọn lọc những thông tin cho mình. Ngoài ra, nó cũng giúp bạn hiểu được cách nuôi lớn cái cây tín nhiệm của mình.
- Nếu bạn đang idol một người nào đó, điều đó không có gì là xấu nếu bạn dùng những khía cạnh tốt của họ đó làm khuôn mẫu, và nghe theo những lời khuyên về lĩnh vực họ xuất chúng. Nhưng đừng đặt niềm tin mù quáng lên cả những khía cạnh khác, hay áp đặt kỳ vọng sai trái lên họ.
Mình xin kết thúc bằng lời thoại của nhân vật John Walker, người được chính phủ đưa lên thay thế Captain America trong “Falcon and The Winter Solider”
I’m not trying to be Steve. I’m not trying to replace Steve. I’m just trying to be the best Captain America I can be
- John Walker
đọc thấy hay? share ngay cho bạn bè cùng đọc