to tell you a better story.
I prefer you visit
my site on
the desktop.
5 bài học về sáng tạo khi lockdown vì Covid
Bạn học được gì từ đợt lockdown vừa rồi vì Covid?
Tuy chúng ta chưa thật sự hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh, nhưng đã dần bắt đầu quay trở lại nhịp sống bình thường như trước, và mình nghĩ trải qua biến cố vừa rồi, ta đã nhận được những bài học khác nhau:
- Có người nhận ra bấy lâu nay ta đã ít kết nối với gia đình.
- Có người thấy rằng thời gian đôi khi không nhiều như ta tưởng.
- Có người hiểu được dù có hướng nội như thế nào, ta vẫn cần sự kết nối với xung quanh.
Đã nhiều năm làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, đọc tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người, và cũng bắt đầu chia sẻ những hiểu biết về sáng tạo ra cồng động. Nhưng hóa ra, vẫn còn những hiểu lầm về sáng tạo tồn tại ờ mình trước khi Covid xuất hiện.
Đây là những thay đổi về quan điểm mình học được từ khoảng thời gian lockdown đã qua
1. Chậm lại giúp ta sáng tạo hơn
Ở những ngày bình thường, chúng ta bị ảnh hưởng bởi môi trường, nhịp sống bận rộn và những đầu việc cứ liên tục xuất hiện.
Ở những ngày bình thường, đôi khi chúng ta nghĩ rằng hoàn thành một công việc nào đó sớm là tài giỏi, là thể hiện được năng lực của bản thân.
Rồi mình nhận ra, những áp lực về tốc độ và thời gian đã ít nhiều ảnh hưởng lên sự chỉnh chu của thành quả sáng tạo. Có những lúc, mình có thể cảm thấy giải pháp này vẫn chưa hoàn chỉnh, nó chỉ thiếu một chút nữa thôi nhưng rồi lại để những tin nhắn, sự rộn ràng xung quanh ảnh hưởng, rồi tự thuyết phục mình hài lòng với những gì đang có.
Với việc tạm đứt kết nối với môi trường làm việc một cách thụ động trong thời gian lockdown, mình tự nhiên có cơ hội để chậm lại, và dành cho linh cảm “cần nghĩ thêm” được cơ hội thể hiện nhiều hơn. Điều này có vẻ đã làm mọi thứ tốt hơn rất nhiều, ít nhất là đã khiến cho bản thân mình hài lòng hơn với những thứ đã làm.
Bài học: Bất cứ khi nào bạn có linh cảm “mình còn có thể sáng tạo hơn thế”, hãy chậm lại một chút. Dành thời gian để hít thở, rà xoát lại một lượt mọi thông tin đã có, hoặc là sẽ nghĩ ra giải pháp tốt hơn, hoặc là sẽ giúp bản thân thoải mái hơn vì đã cố gắng hết sức.
2. Ta sẽ khó khăn hơn khi sáng tạo một mình
Mình thường muốn ở một mình khi đã vô “mood sáng tạo”, nhưng khi bình thường lại khó làm được điều đó.
Khi ở trong lockdown việc này lại khá đơn giản, chỉ cần tắt toàn bộ ứng dụng giao tiếp, đóng cửa phòng là đã hoàn toàn được ở một mình.
Nhưng sáng tạo không chỉ là bạn ngồi yên ở đấy, suy nghĩ và ý tưởng cứ thế nhảy ra khỏi đầu. Nó là quy trình gồm những bước
- Ban đầu ta cần thu thập rất nhiều thông tin, rất nhiều dữ liệu xoay quanh vấn đề ta cần giải quyết, đâu là những giới hạn cần phải lưu ý. Để làm được điều này, ta cần giao tiếp với người khác.
- Các ý tưởng, giải pháp sẽ xuất hiện sau khi ta tổng hợp, kết nối các thông tin trên và loại bỏ những thứ nằm ngoài giới hạn. Khi giao tiếp với người khác, ta có thể sâu chuỗi những luồng suy nghĩ trong đầu, và đôi khi ý tưởng xuất hiện ngay lúc ta chuẩn bị nhấn phím Enter gửi tin nhắn đi.
- Cuối cùng, có thêm góc nhìn từ người khác giúp ta đánh giá lại ý tưởng và biết đâu nhờ vậy mà linh cảm “mình còn có thể sáng tạo hơn thế” sẽ xuất hiện.
Bài học: Chúng ta có thể sáng tạo một mình, nhưng có thể chia sẻ suy nghĩ với người khác sẽ giúp sự sáng tạo dễ dàng hơn.
3. Không cần phải đi tới đâu đó để sáng tạo
Mình đã có 5 năm làm remote cho công ty nước ngoài, nghĩa là mình đã có nhiều năm làm việc mà không cần phải tới văn phòng.
Nhưng thời gian đó không phải lúc nào mình cũng ở nhà, hồi đó mình hay dùng từ “sáng tạo đổi gió”, tức là cứ 1-2 tuần mình lại xách laptop lên máy bay đi tới một chỗ khác để làm việc.
Chỉ có ở trong nhà thời gian vừa rồi khiến mình nhận ra để sáng tạo không cần cứ phải đi đổi gió ở những địa điểm mới. Đôi khi đơn giản chỉ cần thay đổi nhỏ ở môi trường xunh quanh:
- Đặt một cái cây khác cây ngày hôm qua ở trước mặt.
- Thay đổi cuốn sách đang đọc vào buổi sáng.
- Sắp xếp lại vị trí các vật dụng trên bàn.
Bài học: chủ động thay đổi nhỏ ở môi trường xung quanh cũng có thể giúp chúng ta sáng tạo tốt hơn.
4. Sáng tạo cần sự giới hạn
Quá nhiều thứ ở mọi thứ đều không tốt, sáng tạo cũng vậy.
Quá nhiều sự tự do khiến cho sáng tạo dễ đi vào lối mòn, quá nhiều ý tưởng mà không có sự giới hạn để định hướng và chọn lọc sẽ dẫn tới các ý tưởng cứ chồng chéo và không biết phải hoàn thành ý tưởng nào trước.
Với nhiều hơn thời gian rảnh rỗi ở nhà, mình đã có quá nhiều thứ muốn viết, quá nhiều chủ đề muốn chia sẻ, nhưng rồi mọi bài viết cứ dang dở không xong.
Bài học: Đối với những công việc liên quan tới sáng tạo tự do, phải tự đặt ra các giới hạn và nhắc nhở bản thân tuân theo chúng.
5. Nổi buồn có thể giúp sáng tạo, nhưng quá buồn hại sáng tạo
Nhiều nghệ sĩ sáng tạo tốt hơn khi buồn, liệu designer cũng sáng tạo tốt hơn khi buồn?
Với những trải nghiệm của mình trong công việc những năm qua, thỉnh thoảng đượm buồn đã giúp mình cho ra những thiết kế tốt hơn hẳn bình thường:
- Mình từng làm tốt hơn khi buồn vì đã làm anh sếp thất vọng
- Mình từng cố gắng hơn khi buồn vì thấy người khác sao mà giỏi thế
- Mình từng nghĩ ra ý tưởng khác tốt hơn khi buồn vì những thiết kế trước đó không được đón nhận như kỳ vọng
Những lúc này, nỗi buồn đã khiến mình cảm thấy cô đơn, chỉ còn biết tập trung nhiều hơn cho công việc. Sự tập trung đó đã giúp ta sáng tạo tốt hơn khi bình thường.
Nhưng quá buồn, khiến mình bị tê liệt. Những tháng vừa qua là khoảng thời gian mình mất mát nhiều nhất trong cuộc sống, dù đã có cách nhìn nhận lạc quan về những sự kiện này nhưng mình vẫn không tránh khỏi việc thỉnh thoảng lại cảm thấy mất cân bằng.
Và điều này hoàn toàn không tốt cho những kế hoạch của mình.
Bài học: thỉnh thoảng ta có thể lợi dụng nổi buồn để tập trung cho công việc. Nhưng cũng giống như chất kích thích, quá buồn sẽ không tốt cho sức khỏe sáng tạo của mình.
Còn bạn, đâu là những bài học tâm đắc bạn học được qua thời điểm vừa rồi?
đọc thấy hay? share ngay cho bạn bè cùng đọc