to tell you a better story.
I prefer you visit
my site on
the desktop.
Ta nên chọn công việc vì tiền, kinh nghiệm hay vì vui?
Chúng ta kiếm tiền để sống, nhưng nếu sống chỉ biết tới tiền hẳn đó không phải là cuộc đời đáng sống.
- 9 tuổi – Công việc đầu tiên kiếm được tiền là đi nhặt vỏ lon, sắt rĩ bán ve chai được vài trăm đồng.
- 20 tuổi – Sở thích đầu tiên kiếm được tiền là chơi game bán đồ, cao nhất 19tr8/tháng.
- 22 tuổi – Công việc đầu tiên có hợp đồng là phục vụ quán bar, lương 800K, thưởng cao nhất 10tr3/tháng.
- 23 tuổi – Job thiết kế freelancer đầu tiên là Logo/Card cho tiệm hớt tóc gần nhà 700K.
- 24 tuổi – Công việc thiết kế đầu tiên có hợp đồng là thiết kế web lương 4tr/tháng.
- 27 tuổi – Số tiền cao nhất kiếm được từ thiết kế 314tr/tháng, làm 3 công ty, nhiều job freelancer khác.
Trong quá khứ, mình đã trải qua rất nhiều thời điểm vừa vui vừa kiếm được nhiều tiền, tới những thời điểm áp lực lại kiếm rất ít tiền. Thực tế là đôi khi trong những mốc này, mình đã đưa ra quyết định phi lý trí như lúc 23 tuổi, mình bỏ 2 cơ hội: Graphic Designer cho Branding Studio với mức lương 8tr, và thực tập sinh cho 1 Agency quảng cáo có tên tuổi.
Mình đã kể nhiều cách mình chọn công việc như thế nào ở 2 bài này:
Chọn được một công việc phù hợp đã khó, sau đó chúng ta còn phải đau đầu giữa:
“Chọn một công ty lương cao, ổn định nhưng công việc thiếu thử thách chán chường, hay là một công ty môi trường vui vẻ, nhiều cơ hội phát triển nhưng lương thấp”
Để chọn lựa ta hãy nhìn vào 3 khía cạnh:
- Tiền
- Kinh nghiệp
- Cảm xúc
Lợi ích khi làm việc vì tiền
Lợi ích 1: Tiền, hiển nhiên
Tiền không mua được hạnh phúc, nhưng nếu không có tiền thường sẽ bất hạnh.
Tầng thấp nhất của tháp nhu cầu Maslow là nhu cầu sinh học: sống, ăn no, mặc ấm, ngủ ngon,… Khi không có đủ tiền để đáp ứng ở mức này, chúng ta sẽ vô cùng khổ sở.
Rồi qua thời gian Vòng quan tâm (Circle of Concern) mở rộng ra, khi ta bắt đầu phải chăm sóc cho ba mẹ, vợ chồng, con cái. Nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng lên, vì thế công việc cần phải tạo ra đủ giá trị để đáp ứng những nhu cầu tối thiểu này.
Lợi ích 2: sự tôn trọng
Ở một khía cạnh nào đó, khi bạn khá giả hoặc sang trọng bạn thường sẽ được người khác tôn trọng hơn. Đây là hiện thực xã hội không thể chối cãi, vì người ta thường gắn liền “thu nhập cao” đi với “sự thành công”, và người thành công thì dễ được tôn trọng. Ngoài ra, lương cao nghĩa là bạn cũng có vị trí quan trọng trong tổ chức.
Lợi ích 3: sự an toàn
Chẳng bao giờ biết biến ố xảy ra lúc nào, điều duy nhất ta có thể làm là chuẩn bị cho nó. Và cách chuẩn bị dễ nhất… là tiết kiệm tiền.
Bạn sẽ cảm thấy an toàn, khi số tiền tiết kiệm bạn có đủ để trang trải chi phí sinh hoạt từ 1 năm trở lên nếu bạn không làm gì. Nếu chẳng may bị mất việc, bạn sẽ có đủ thời gian để tìm công việc mới.
Bạn sẽ cảm thấy an toàn, nếu luôn có một khoản tiết kiệm cho bệnh tật ốm đau.
Bất lợi khi làm việc vì tiền
Bất lợi 1: Không bao giờ đủ
Khi ta đặt mục tiêu là kiếm tiền, thì ta sẽ không bao giờ thấy đủ. Vì càng kiếm nhiền, ta càng cho phép mình tiêu nhiều hơn.
- Tiêu nhiều hơn để tự thưởng.
- Tiêu nhiều hơn để nạp lại năng lượng.
- Tiêu nhiều hơn để chứng tỏ ta có tiền.
Và sẽ rơi vào vòng xoáy lẩn quẩn, ta trở thành nô lệ của tiền bạc.
Bất lợi 2: Hoặc là áp lực rất cao, hoặc là rất chán chường
Có 2 kiểu cho vị trí với mức lương cao:
- Cực kỳ áp lực: Benefit cao đồng nghĩa với sự kỳ vọng của công ty với giá trị bạn tạo ra cũng lớn. Những mục tiêu kinh doanh cao, sẽ nhân gấp đôi, gấp 3 sau mỗi lần bạn hoàn thành đẩy bạn tới bờ vực của sự burn-out. Không tìm được cách cân bằng, bạn sẽ bị bẻ gãy.
- Cực kỳ nhàm chán: Những tổ chức xây dựng được quy trình làm việc chặt chẽ sẽ tối đa được giá trị của từng mắt xích trong đó. Bạn được đặt vào một vị trí, chỉ cần làm đúng những gì được chuẩn bị sẵn. Không ai khuyến khích bạn sáng tạo làm khác đi, bạn nhận lương cao nhưng tối về sẽ luôn tự hỏi “Đời mình chỉ vậy thôi sao?”
Bất lợi 3: Sự trì trệ
Là hệ quả của bất lợi 2, nếu chẳng may bị burn-out bạn cần nhiều thời gian để tìm lại ngọn lửa ban đầu, và hồi phục lại năng lượng. Khoảng thời gian này sẽ trở thành khoảng nghĩ dài hơi và có thể khiến bạn bị tụt lại phía sau lớp trẻ kế cận.
Còn những công việc nhàm chán thì chỉ tập trung vào việc phát huy tốt nhất những kỹ năng bạn đã có. Và khi bạn chỉ làm mãi những thứ bạn đã giỏi, bạn chỉ đứng mãi ở vị trí bạn đang đứng.
Lợi ích khi làm việc vì kinh nghiệm
Lợi ích 1: Bạn, hiển nhiên
Tầng bao quát hơn của kinh nghiệm là trải nghiệm, nếu không có trải nghiệm cuộc sống sẽ thật vô nghĩa.
Bạn càng có nhiều kinh nghiệm, năng lực của bạn càng tăng, và tu nhập của bạn cũng sẽ tăng theo đó. Tiền có thể mất đi, nhưng kinh nghiệm sẽ là cái theo bạn lâu dài.
Lợi ích 2: Resume
Bạn không thể liệt kê thu nhập vào hồ sơ làm việc, nhưng kinh nghiệm thì có.
Kinh nghiệm đi theo bạn khi chẳng may bạn bị môi trường hiện tại đào thải, hoặc bạn muốn thay đổi môi trường khác. Bạn sẽ thấy rõ giá trị của việc tích lũy kinh nghiệm.
Lợi ích 3: Danh tiếng
Khi làm vì kinh nghiệm, bạn chủ động tham gia vào các dự án nhiều thử thách và nếu thành công, những dự án này sẽ mang lại cho bạn danh tiếng.
Khi làm việc vì kinh nghiệm, bạn sẽ muốn say yes với mọi thử thách sắp tới, và khi vượt qua nó, bạn sẽ được công nhận.
Bất lợi khi làm việc vì kinh nghiệm
Bất lợi 1: Tiền
Làm việc vì kinh nghiệm, nghĩa là bạn không có nhiều kinh nghiệm trong việc bạn đang làm, đồng nghĩa với việc có thể giá trị bạn tạo ra không nhiều cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sẽ đánh giá bạn là nhân viên đang học việc, và sẽ có mức đãi ngộ ít hơn nhân viên làm được việc.
Bạn cũng không có nhiều thời gian để cứ chấp nhận mãi mức sống trung bình, chưa kể ba mẹ cũng đang ngày một già đi.
Bất lợi 2: Kinh nghiệm không thể sử dụng
Dù bạn ở đâu, làm gì bạn đầu có thể nhận được kinh nghiệm. Nó chỉ đơn giản là quan sát, trừu tượng nó theo kiến thức và ghi nhớ nó để trở thành kinh nghiệm của riêng bạn.
Tuy nhiên, sẽ có những loại kinh nghiệm bạn có được nhưng sẽ không có dịp để sử dụng sau này. Vì nó chỉ phù hợp ở môi trường cũ, cách thức làm việc cũ, hoặc bị lạc hậu so với thị trường.
Bất lợi 3: Thời gian
Khi làm việc vì kinh nghiệm, bạn phải làm những công việc không quen thuộc, hoặc khó khăn. Vì vậy bạn sẽ tốn nhiều thời gian hơn để hoàn thành được chúng.
Công việc có thể chất chồng và bạn sẽ bị chôn vùi trong đó.
Cảm xúc
Chúng ta hay được khuyên là hãy chọn công việc mình yêu thích, nhưng yêu thích không có nghĩa là sẽ luôn cảm thấy vui vẻ với nó. Với bất cứ công việc gì bạn vẫn sẽ phải trải qua đủ cung bậc cảm xúc, để giữ sức khỏe tinh thần lành mạnh bạn cần quan tâm vài danh sách sau:
Sẽ tốt khi bạn:
- Thấy áp lực đối diện với thử thách
- Thấy vui vì được đồng nghiệp hỗ trợ
- Thấy buồn vì đã chưa cố gắng hết sức
- Thấy sảng khoái vì nỗ lực được công nhận
- Thấy kiệt sức khi phá vỡ giới hạn
- Thấy tự hào khi đạt được thành tựu
- Thấy hoang mang khi chuẩn bị làm những cái mình chưa biết
- Thấy tự tin khi có sự tiến bộ
Sẽ không tốt khi bạn:
- Thấy vui vì không phải làm nhiều việc
- Thấy cô đơn khi không ở trong bè phái
- Thấy mừng vì sếp giao việc khó cho người khác
- Thấy ghen tị vì đồng nghiệp được thiên vị
- Thấy miễn không bị đuổi việc là mừng rồi
- Thấy không tự hào với những thành tựu của công ty
Suy nghĩ cuối cùng
Bạn có thể chọn được công việc có cả tiền và kinh nghiệm nếu bạn có năng lực để có được nhiều sự lựa chọn.
Nhưng với những gì mình đã trải qua, lời khuyên là nếu không bị áp lực sinh tồn, hãy dành những năm đầu tiên để tích lũy kinh nghiệm, tận dụng khoảng thời gian ngọn lửa của bạn còn cháy rực, sức khỏe còn nhiều để say Yes với tất cả những cơ hội trong công việc.
Nếu không được kinh nghiệm trong chuyên môn, chí ít bạn cũng sẽ được kinh nghiệm kỹ năng mềm. Đừng để tiền bạc khiến bạn mất đi sự tập trung để làm tốt mọi việc.
Sẽ khó khăn hơn cho những bạn không có đủ điều kiện (khác với tiêu xài quá lố), nhưng mình tin kiến thức và kinh nghiệm sẽ là nền tảng vững chắc để bạn tạo ra nhiều giá trị, thu được nhiều lợi ích hơn trong tương lai.
đọc thấy hay? share ngay cho bạn bè cùng đọc